3 bộ phận bẩn nhất của nồi cơm điện bạn cần phải vệ sinh thường xuyên
Khi vệ sinh nồi cơm điện, nhiều người chỉ chú ý vệ sinh phần lòng nồi cơm mà thường bỏ qua việc vệ sinh 3 bộ phận quan trọng, được ví là nơi bẩn nhất của nồi. Điều này có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ và hiệu suất của nồi cơm điện, đồng thời còn gây hại tới sức khỏe của các thành viên trong gia đình. Hãy cùng Điện Máy Quang Hạnh tìm hiểu về 3 bộ phận trên và cách vệ sinh như thế nào là đúng nhất nhé.
Xem nhanh bài viết
Van thoát hơi
Nơi đầu tiên bạn cần chú ý vệ sinh nhất đó là van xả của nồi cơm điện, đây chính là nơi dễ tích tụ vi khuẩn nhất của nồi cơm điện.
Van thoát hơi thông minh thường được thiết kế nằm ở phía trên nắp nồi có tác dụng điều chỉnh lượng hơi nước thoát ra ngoài hợp lý. Từ đó, giúp cơm chín đều, ngon, dẻo mà vẫn giữ lại lượng vitamin và dưỡng chất có lợi cho sức khỏe con người.
Trong quá trình nấu cơm, canh, cháo, các món hầm… hơi nước bốc lên cùng với cặn thực phẩm sẽ bám vào nắp trong, nếu lâu ngày không vệ sinh thường xuyên thì đây sẽ trở thành môi trường lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi mạnh mẽ, làm bẩn lây cả nồi cơm mới nấu và khiến cơm để trong nồi nhanh ôi thiu hơn.
Bên cạnh đó, khi bộ phận van xả không được vệ sinh thường xuyên, lâu ngày các mảng bám sẽ hình thành làm thông hơi bị bịt kín. Trong quá trình nấu sẽ ảnh hưởng đến việc thoát hơi nước làm cơm dễ bị nhão, thời gian nấu cơm cũng tăng lên gây tốn điện năng. Do đó, người dùng nên đặc biệt chú ý, thường xuyên làm sạch bộ phận nhỏ này của nồi cơm, vừa để đảm bảo cho sức khỏe, vừa để giảm chi phí tiền điện cho gia đình.
Mỗi dòng sản phẩm nồi cơm điện lại có thiết kế phần van xả khác nhau, nhưng hầu hết các loại nồi cơm điện trên thị trường hiện nay đều có thể tháo rời phần van xả, bạn nên đọc sách hướng dẫn để thao tác dễ dàng.
Cách vệ sinh phần van xả
Cách vệ sinh van xả rất đơn giản, bạn chỉ cần tháo van xả ra, làm ướt rồi cho nước rửa và dùng bàn chải đánh răng để cọ. Sau khi vệ sinh xong chỉ cần lau khô và lắp lại là có thể tiếp tục sử dụng.
Nắp trong
Bộ phận thứ 2 của nồi cơm điện cần phải vệ sinh thường xuyên đó chính là phần nắp trong, đây cũng là vị trí vô cùng bẩn. Cũng giống như van thoát hơi nước, nắp trong nồi cơm điện cũng có nhiệm vụ đón bọt trào lên khi nấu và sẽ dính vào tấm kim loại và mắt trong của vung nồi. Nếu không vệ sinh, các mảng bám cũng sẽ hình thành, vi khuẩn sinh sôi, phát triển. Trong những ngày nắng nóng, nồm ẩm, cơm sẽ nhanh bị ôi thiu. Vì vậy, chúng ta không nên bỏ qua việc vệ sinh vị trí này của nồi cơm điện.
Phần lớn các sản phẩm nồi cơm điện hiện nay đều có thể tháo rời phần nắp trong nồi nên rất dễ dàng trong quá trình vệ sinh. Còn với loại nồi cao tần thì thông thường sẽ có nút nhấn ở phía trên giúp bạn dễ dàng tháo rời phần nắp ra.
Cách vệ sinh nắp trong
Với phần vung trong bằng kim loại, bạn hạn chế dùng các chất tẩy rửa có tính ăn mòn cao. Chỉ cần vệ sinh bằng nước rửa chén thông thường sau đó lấy khăn khô sạch lau chùi sạch sẽ đối với cả 2 mặt, tránh để vết ố tích tụ. Đối với một số vung nồi sẽ có phần gioăng cao su đi kèm bạn cũng đừng quên làm sạch chúng và lắp vào vị trí cũ nhé.
Bạn đừng quên vệ sinh hộp chứa hơi nước thừa được lắp đặt phía sau nắp, nước này để lâu sẽ bốc mùi khó chịu. Với các khớp nối dễ dàng mở ra, thì bạn chỉ cần vệ sinh với xà phòng rồi lau lại sạch sẽ mà thôi.
Mâm nhiệt
Không phải chỉ cần vệ sinh những bộ phận tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm trong quá trình nấu là đã đảm bảo an toàn vệ sinh đâu nhé. Ngoài ra, bạn cần phải làm sạch phần đĩa cứng đệm giữa đáy nồi và ruột nồi - hay còn gọi là mâm nhiệt. Mâm nhiệt là bộ phận quan trọng của nồi cơm, quyết định tuổi thọ của nồi, chất lượng cơm và lượng điện tiêu thụ nhưng nhiều người thường bỏ qua khi vệ sinh nồi cơm điện.
Nếu không được làm sạch, mâm nhiệt sẽ bị ố vàng, dễ bị dính cơm, bụi bẩn, gỉ sét… sẽ ảnh hưởng đến khả năng truyền nhiệt, làm chậm quá trình nấu cơm nên gây tiêu hao điện năng và thành phẩm cơm cũng không đạt chất lượng.
Chính giữa mâm nhiệt là bộ phận cảm biến, có vai trò ngắt điện khi cơm chín. Đây cũng là bộ phận dễ bị bám bụi bẩn, để lâu ngày cũng có thể khiến cơm chín không đều, cơm không ngon, thậm chí là làm cho nồi không thể bật nấc. Vì vậy, để đảm bảo tuổi thọ nồi cơm được dài và tiêu tốn ít điện năng bạn cần phải vệ sinh mâm nhiệt thường xuyên.
Cách vệ sinh mâm nhiệt
Bước 1: Pha loãng giấm với nước sau đó lấy mặt cứng của miếng xốp rửa bát lau chùi cho sạch vết bẩn và bụi bám ở mâm nhiệt
Bước 2: Tiếp tục thấm nước giấm pha loãng lên mâm nhiệt một lần nữa và để trong khoảng 10 phút rồi lấy khăn ẩm lau sạch lại bề mặt mâm nhiệt. Nếu mâm nhiệt vẫn còn vết bẩn bạn có thể lặp lại thao tác trên. Đối với những vết bẩn cứng đầu chưa chịu đi bạn có thể lấy một chút kem đánh răng và dùng bàn chải chà nhẹ. Sau đó dùng chiếc khăn ẩm sạch lau lại cho sạch hoàn toàn
Bước 3: Cuối cùng, bạn hãy dùng khăn khô lau thêm một lần nữa cho nước giấm hết hẳn
Một số lưu ý khi vệ sinh nồi cơm điện
Không sử dụng những dụng cụ bằng kim loại, không nên chùi quá mạnh vào lòng nồi vì sẽ làm trầy xước lớp chống dính, mất đi tính thẩm mỹ và ảnh hưởng tới sức khỏe.
Chỉ vệ sinh nồi cơm điện sau khi bạn đã chế biến thực phẩm xong và khi nồi cơm điện đã nguội hoàn toàn tránh bị bỏng và làm hỏng nồi.
Không tự ý tháo rời các bộ phận có gắn ốc cố định ra để vệ sinh. Bởi trong quá trình tháo lắp, bạn có thể vô tình gây đứt mạch điện và làm hỏng nồi. Việc tháo rời các bộ phận cũng không cần thiết khi tiến hành vệ sinh nồi, bạn chỉ cần vệ sinh phần vỏ nồi, đĩa dẫn nhiệt, van xả, nắp trong và lòng nồi là được.
Trong quá trình vệ sinh nồi, hạn chế tác động lực mạnh tránh là làm móp, méo, biến dạng nồi.
Hạn chế sử dụng các loại hóa chất tẩy rửa có tính ăn mòn cao để làm sạch bởi chúng sẽ làm hỏng các phụ kiện và ảnh hưởng tới sức khỏe của các thành viên trong gia đình.
Thường xuyên vệ sinh nồi cơm sau khi sử dụng để giữ thiết bị luôn sạch sẽ, đảm bảo an toàn cho sức khỏe và kéo dài tuổi thọ của nồi.