Các bước vệ sinh máy rửa bát đơn giản nhanh chóng tại nhà
Để máy rửa bát hoạt động hiệu quả và bền bỉ, người dùng nên vệ sinh máy thường xuyên cả bên trong lẫn bên ngoài. Việc vệ sinh định kỳ giúp loại bỏ cặn bẩn, ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn sinh, khử mùi và giữ cho máy luôn trong tình trạng tốt nhất. Trong bài viết này, Điện máy Quang Hạnh sẽ hướng dẫn bạn các bước vệ sinh máy rửa bát đơn giản nhanh chóng tại nhà nhé.
Xem nhanh bài viết
Bao lâu thì nên vệ sinh máy rửa bát? Cần chuẩn bị những gì?
Cũng giống như các thiết bị điện khác trong gia đình, máy rửa bát cũng cần được vệ sinh thường xuyên để đảm bảo loại bỏ mùi hôi của thức ăn thừa, chất tẩy rửa tích tụ, chống bám cặn trong các ống xả giúp máy hoạt động một cách tối ưu và gia tăng tuổi thọ. Đồng thời giữ cho bát đĩa luôn sạch sẽ, không bị ám mùi và an toàn cho sức khỏe cho người sử dụng, nhất là với những người có hệ tiêu hóa nhạy cảm.
Theo các chuyên gia, thời gian vệ sinh máy định kỳ tốt nhất là mỗi tháng một lần. Bạn cần thực hiện việc vệ sinh toàn bộ bên trong máy rửa bát, bao gồm lồng máy, cánh tay phun nước, bộ lọc và làm sạch các khu vực khó tiếp cận khác để đảm bảo không có cặn bẩn hay khoáng chất tích tụ. Việc này bao gồm chạy một chu trình không tải với giấm trắng để loại bỏ cặn bẩn, mùi hôi và ngăn chặn sự tích tụ của nước cứng.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý tần suất vệ sinh máy rửa bát có thể thay đổi, phụ thuộc vào cách bạn sử dụng máy và mức độ bẩn của các bát đĩa. Nếu chưa đến thời gian vệ sinh định kỳ nhưng khi sử dụng thấy máy có dấu hiệu bị tắc nghẽn hoặc máy không hoạt động hiệu quả bạn cần vệ sinh máy ngay và thời gian vệ sinh định kỳ cũng cần được rút ngắn lại.
Trước khi vệ sinh máy rửa bát bạn cần chuẩn bị dụng cụ và nguyên liệu sau:
- Khăn mềm
- Bàn chải đánh răng
- Giấm trắng
- Baking soda
- Chai xịt tẩy rửa chuyên dụng
Cách vệ sinh máy rửa bát đơn giản tại nhà
Vệ sinh cửa máy rửa bát
Bước 1: Vệ sinh bên ngoài máy rửa bát
Khi vệ sinh bên ngoài máy rửa bát bạn sử dụng một chiếc khăn vải mềm ẩm, xịt một chút chất tẩy rửa chuyên dụng lên trên bề mặt cửa sau đó lau nhẹ nhàng toàn bộ phía cửa bên ngoài, bằng điều khiển, phần tay cầm, các cạnh cửa của máy. Nếu nhà bạn đang dùng máy rửa bát để bàn hay máy rửa bát độc lập thì đừng quên lau toàn bộ khung ngoài của máy nhé.
Đối với những vết bẩn cứng đầu hay các hốc kẹt khó vệ sinh bạn có thể dùng một chiếc bàn chải nhỏ, mềm thêm chút dung dịch tẩy rửa để dễ dàng đánh bay vết bẩn.
Kết thúc quá trình lau ẩm, bạn nên sử dụng một khăn vải mềm khô, sạch lau lại một lần nữa để loại bỏ mọi vết ẩm và làm cho bảng điều khiển, cửa trở nên sáng bóng.
Chú ý trong quá trình vệ sinh cánh ngoài của máy bạn không nên tì mạnh tay vào cửa tránh gây lỏng lẻo bản lề. Nếu bạn muốn vỏ ngoài của máy rửa bát sáng bóng có thể dùng sáp đánh bóng để làm bóng vỏ máy nhé.
Bước 2: Làm sạch cửa trong của máy rửa bát
Làm sạch Cửa trong của máy cũng cần được vệ sinh kỹ lưỡng. Dùng bàn chải mềm hoặc khăn ẩm, nhúng vào chất tẩy rửa chuyên dụng, nhẹ nhàng lau sạch các khe cửa, viền và bản lề. Đảm bảo rằng bạn đã đào sâu, vệ sinh kỹ các rãnh của gioăng cao su và bất kỳ kẽ hở nào khác. Sau đó lau sạch lại bằng một chiếc khăn ẩm để loại bỏ hoàn toàn vết bẩn và chất tẩy rửa còn sót lại.
Cách vệ sinh khoang máy rửa chén
Khoang máy rửa chén là nơi chứa đựng trực tiếp bát đĩa và các loại thức ăn thừa. Để đảm bảo máy rửa chén luôn hoạt động hiệu quả và sạch sẽ, việc vệ sinh khoang máy là vô cùng quan trọng. Dưới đây sẽ là các bước vệ sinh khoang máy rửa bát chi tiết:
Bước 1: Loại bỏ các mảnh vụn
Trước khi bắt đầu vệ sinh khoang máy rửa bát bạn hãy kiểm tra kỹ đế máy rửa và ở vị trí cống. Hãy loại bỏ hết các mảnh vụn thức ăn còn sót lại trong máy để tránh những mảnh vụn này có thể gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước và làm giảm hiệu quả của quá trình rửa chén. Bạn có thể dùng khăn giấy tay hoặc một chiếc bàn chải nhỏ để gạt hết các mảnh vụn ra khỏi khoang máy.
Bước 2: Chạy máy rửa bát
Sau khi loại bỏ các mảnh vụn, bạn hãy đặt một cốc giấm trắng lên giàn rửa trên cùng của máy. Chạy máy rửa bát ở chế độ không tải (không có bát đĩa) với chu kỳ rửa ngắn và nước nóng. Giấm trắng có tác dụng làm sạch và khử mùi, giúp loại bỏ cặn bẩn và dầu mỡ tích tụ bên trong khoang máy. Trong quá trình chạy máy, giấm sẽ lan tỏa và làm sạch toàn bộ khoang máy, bao gồm cả các bộ phận như cánh tay phun và bộ lọc.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng baking soda để làm sạch máy. Bạn chỉ cần đổ một cốc baking soda xuống đáy máy và chọn chạy chương trình rửa với chu trình ngắn nhất và nước nóng. Sau khi kết thúc chu trình, bạn sẽ thấy rằng các vết bẩn và mùi hôi trong máy đã được loại bỏ hoàn toàn.
Bước 3: Lau sạch bên trong
Sau khi chạy máy xong, bạn hãy tháo rời giàn rửa và tay phun sau đó dùng khăn mềm để lau sạch toàn bộ bên trong khoang máy. Đặc biệt chú ý đến các khe cửa, góc cạnh và khu vực xung quanh cánh tay phun, nơi dễ tích tụ cặn bẩn. Nếu có vết bẩn cứng đầu, bạn có thể sử dụng hỗn hợp baking soda pha nước để chà sạch lại một lần nữa.
Cách vệ sinh các phụ kiện và bộ phận của máy rửa bát
Cách vệ sinh bộ lọc máy rửa chén
Bộ lọc trong máy rửa chén có nhiệm vụ giữ lại các mảnh vụn thức ăn và cặn bẩn trong quá trình rửa. Nếu bộ lọc không được vệ sinh thường xuyên, các mảnh vụn này có thể tích tụ và gây tắc nghẽn, làm giảm khả năng thoát nước và hiệu quả làm sạch của máy. Thậm chí, bộ lọc bẩn có thể là nguyên nhân gây mùi hôi và làm bát đĩa không sạch sau khi rửa. Do đó, việc vệ sinh bộ lọc định kỳ là cần thiết để đảm bảo máy rửa chén hoạt động hiệu quả và bát đĩa luôn sạch bóng.
Bước 1: Tháo và vệ sinh bộ lọc
Bộ lọc rác của máy sẽ được thiết kế ở cuối của thiết bị, gần khu vực thoát nước và gồm ba bộ phận chính:
- Tấm lọc chính: Có chức năng ngăn các mảnh vụn thức ăn rơi xuống ống thoát nước.
- Giỏ lọc tinh: Giỏ lọc giúp giữ lại cặn thức ăn và bụi bẩn.
- Tấm lọc thô: Tấm lọc này giữ lại các mảnh thức ăn lớn trong quá trình rửa.
Để tháo bộ lọc, bạn vặn ngược toàn bộ lọc rồi nhấc cả cụm khỏi thân máy. Tiếp đến vặn ngược tấm lọc thô nhấc ra khỏi giỏ lọc tinh, cuối cùng nhấc tách giỏ lọc tinh ra khỏi tấm lọc chính.
Lưu ý: Với mỗi máy rửa bát sẽ có cấu tạo khác nhau vì vậy trước khi tháo tấm lọc bạn cần xem kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất để dễ dàng lấy bộ lọc ra nhé.
Sau khi tháo xong, bạn lật úp các bộ phận của bộ lọc cho các mảnh vụn thức ăn rơi ra ngoài rồi đem xả dưới nước mạnh và dùng cọ mềm đánh sạch các mảng bám. Tiếp theo ngâm giỏ lọc và tấm lọc trong nước baking soda khoảng 15 phút để loại bỏ dầu mỡ và làm mềm các vết bẩn cứng đầu. Kết thúc quá trình ngâm bạn sử dụng bàn chải đánh răng để loại bỏ lại những vết bẩn cứng đầu còn sót lại.
Bước 2: Làm sạch dưới bộ lọc
Khi đã vệ sinh bộ lọc xong, đừng quên làm sạch khu vực bên dưới bộ lọc, nơi thường tích tụ cặn bẩn và thức ăn thừa. Sử dụng khăn mềm hoặc bàn chải để lau sạch khu vực này, đảm bảo không còn bất kỳ mảnh vụn nào có thể gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước.
Sau khi đã vệ sinh toàn bộ bộ lọc và khu vực bên dưới bạn lắp các bộ phận lọc vào nhau, đặt vào vị trí để bộ lọc và ấn mạnh để bộ lọc dính chặt vào đáy máy.
Cách để loại bỏ vết rỉ sét trong máy rửa chén
Bước 1: Chạy máy rửa chén rỗng
Dù bề mặt bên trong của khoang máy rửa bát không có khả năng bị rỉ sét, nhưng các giàn rửa của máy có thể gặp phải vấn đề này sau một vài năm sử dụng. Khi một số chỗ mối nối hay các thanh trên giá bị mất lớp vỏ bọc bên ngoài, kim loại bên dưới sẽ tiếp xúc với nước và các chất tẩy rửa trong thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng rỉ sét.
Hoặc nếu bạn thường xuyên thấy những đốm nâu đỏ phủ bên trong máy rửa bát của bạn, thì nguyên nhân là do có sắt trong nguồn cấp nước.
Trong trường hợp trên, bạn đổ giấm hoặc baking soda vào ngăn chứa chất tẩy rửa chạy máy rửa bát ở chế độ không tải (không có bát đĩa) với chu kỳ rửa ngắn và nước nóng là được.
Bước 2: Khắc phục các vấn đề rỉ sét
Trong trường hợp một số vết rỉ sét cứng đầu không biến mất, bạn có thể loại bỏ chúng bằng cách pha baking soda với nước thành dạng bột nhão sau đó thoa lên vết rỉ sét và ủ trong vòng 15-20 phút rồi lau sạch lại bằng khăn mềm là được.
Cách loại bỏ nước cứng và khoáng chất tích tụ trong máy rửa chén
Khi sử dụng nước cứng trong máy rửa chén, các khoáng chất này có thể tích tụ trong máy và trên bát đĩa. Kết quả là bạn có thể thấy các vết cặn trắng hoặc mờ trên bát đĩa, và các bộ phận bên trong máy rửa chén có thể bị bám cặn, làm giảm hiệu quả của quá trình làm sạch và gây hư hỏng cho thiết bị về lâu dài.
Cách loại bỏ nước cứng và khoáng chất tích tụ trong máy rửa chén. Với giải pháp lâu dài, bạn nên lắp đặt thiết bị lọc làm mềm nước cho toàn bộ hệ thống ống dẫn nước trong nhà.
Với phương án tạm thời, bạn cho khoảng 240 ml giấm trắng vào ngăn chứa phía dưới của máy rửa chén. Giấm trắng là một chất axit nhẹ có khả năng hòa tan các cặn khoáng, giúp loại bỏ các vết cặn và khoáng chất tích tụ trong máy. Bật máy rửa chén và chọn chế độ rửa nóng. Chu trình này sẽ giúp giấm lan tỏa khắp máy, tiếp xúc với các khu vực bị tích tụ khoáng chất. Giấm sẽ làm mềm và hòa tan các cặn bẩn, giúp dễ dàng loại bỏ chúng trong quá trình xả nước.
3 mẹo khử mùi và làm sạch máy rửa chén bằng nguyên liệu tự nhiên
Sử dụng các nguyên liệu tự nhiên để làm sạch và khử mùi máy rửa chén không chỉ an toàn cho sức khỏe mà còn hiệu quả trong việc loại bỏ mùi hôi và cặn bẩn. Dưới đây là ba nguyên liệu phổ biến mà bạn có thể sử dụng:
Giấm trắng
Giấm trắng là một chất axit nhẹ, có khả năng làm sạch và khử mùi hiệu quả. Ngoài ra, chúng còn giúp hòa tan cặn khoáng, loại bỏ dầu mỡ và diệt khuẩn rất tốt.
- Đổ một cốc giấm trắng vào ngăn chứa phía dưới của máy rửa chén.
- Chạy máy rửa chén không tải (không có bát đĩa) với chế độ rửa nóng. Giấm trắng sẽ lan tỏa khắp máy, loại bỏ mùi hôi và cặn bẩn, đồng thời làm sạch các bộ phận bên trong máy.
- Sau khi hoàn tất chu trình rửa, máy rửa chén của bạn sẽ sạch sẽ và thơm tho hơn.
Cồn tẩy
Cồn tẩy rửa có tính kháng khuẩn mạnh, giúp loại bỏ vi khuẩn và mùi hôi trong máy rửa chén. Cồn cũng bay hơi nhanh, không để lại cặn, nên rất phù hợp để làm sạch các bề mặt trong máy.
- Pha loãng cồn tẩy rửa với nước theo tỉ lệ 1:1.
- Dùng một khăn mềm hoặc miếng vải sạch, thấm hỗn hợp cồn pha loãng, sau đó lau sạch các bề mặt bên trong khoang máy rửa chén, đặc biệt là khu vực quanh cửa máy và các kẽ hở.
- Sau khi lau, để máy rửa chén mở cửa một lúc để cồn bay hơi hoàn toàn, giúp khử mùi hôi và diệt khuẩn hiệu quả.
Baking Soda
Baking soda là một chất làm sạch tự nhiên, có khả năng trung hòa mùi hôi và loại bỏ vết bẩn. Với tính kiềm nhẹ, baking soda giúp phá vỡ các vết dầu mỡ và các mảnh vụn thức ăn bám trên các bộ phận bên trong máy rửa chén.
- Rắc một lớp mỏng baking soda lên sàn của khoang máy rửa chén.
- Chạy máy rửa chén với chế độ rửa ngắn và nước ấm. Baking soda sẽ giúp làm sạch cặn bẩn, khử mùi hôi, và làm sáng bóng khoang máy rửa chén.
- Để có hiệu quả tốt hơn, bạn có thể kết hợp baking soda với giấm trắng. Sau khi chạy chu trình với giấm, rắc baking soda và chạy chu trình rửa ngắn, kết quả sẽ là một máy rửa chén sạch sẽ và không còn mùi khó chịu.
Kết luận
Việc vệ sinh máy rửa bát thường xuyên và sử dụng những nguyên liệu tự nhiên giúp:
- An toàn cho sức khỏe: Giấm trắng, cồn tẩy rửa, và baking soda đều là những nguyên liệu tự nhiên, không gây hại cho sức khỏe và không để lại hóa chất độc hại trong máy rửa chén.
- Thân thiện với môi trường: Sử dụng các nguyên liệu tự nhiên giúp giảm thiểu việc sử dụng hóa chất mạnh, bảo vệ môi trường.
- Hiệu quả cao: Dù là nguyên liệu tự nhiên, giấm trắng, cồn tẩy rửa, và baking soda vẫn mang lại hiệu quả làm sạch và khử mùi tương đương với các sản phẩm thương mại.
- Giúp máy rửa bát hoạt động hiệu quả, bền bỉ, nâng cao tuổi thọ của máy.